A) Thí nghiệm thiết bị điện sau khi lắp đặt (SAT) thường được một đơn vị thứ 3 thực hiện. Việc này đảm bảo đưa ra được kết luận độc lập trung thực cho Chủ đầu tư và đưa thiết bị vào vận hành đúng theo thiết kế và quy định. Với hệ thống biên bản kết quả thí nghiệm đầy đủ, đạt tiêu chuẩn là điều kiện cần để bên Phân phối điện (được hiểu là EVN, bao gồm các đơn vị quản lý thành viên) nghiệm thu cho phép kết nối và đóng điện cung cấp cho công trình (xem mục download: Thông tư 32/2010/TT-BCT – Quy định hệ thống điện phân phối – phê duyệt 15/09/2010).
Đối với các thiết bị điện cao áp có kết nối tới Hệ thống điện quốc gia hoặc hệ thống điện do đơn vị khác quản lý cần phải được thí nghiệm đầy đủ các hạng mục theo quy định để đảm bảo thiết bị được đạt các tiêu chuẩn quy định, lắp đúng quy chuẩn, khi làm việc không ảnh hưởng đến tính ổn định, an toàn và tin cậy của lưới điện chung. Những hạng mục thí nghiệm bắt buộc được quy định trong luật, quy phạm vận hành và tiêu chuẩn thiết bị. Ngoài ra, các hạng mục thí nghiệm đặc biệt có trong những điều khoản bổ xung của hợp đồng cung cấp thiết bị nhưng không quy định trong luật chung. Những hạng mục thí nghiệm này có thể sử dụng để đánh giá chất lượng của thiết bị, sự khác nhau của mỗi nhà sản xuất, giá thiết bị.
Kết quả thí nghiệm thiết bị sau lắp đặt (SAT) được so sánh với thí nghiệm tiêu chuẩn và chất lượng khi xuất xưởng (FAT) đảm bảo thiết bị đã được lắp đặt đúng theo thiết kế từ nhà chế tạo. Hệ thống thông số kết quả thí nghiệm FAT, SAT và thí nghiệm định kỳ trong thời gian vận hành của thiết bị sẽ là cơ sở dữ liệu không thể thiếu để bạn quản lý vận hành hệ thống trong thời gian dài cũng như giúp bạn biện hộ trong các trường hợp tranh cãi về bảo hành thiết bị cũng như liên quan tới các công ty bảo hiểm hay pháp luật khi có sự cố xảy ra.
Tham khảo thêm Luật điện lực.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện _ Tập 5